Đang truy cập :
2
Hôm nay :
459
Tháng hiện tại
: 459
Tổng lượt truy cập : 1499133
Niềm hạnh phúc của bà Hồ Thị Mai khi nuôi con ăn học thành tài
Từ trung tâm thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), chúng tôi vượt gần 30 km đường đồi núi mới đến được với bản Cợp. Bản Cợp nằm ngay trên cửa ngõ dẫn vào trung tâm xã và đã mang dáng dấp của một miền quê trù phú, ấm no. Tiếp chúng tôi, anh Hồ Văn Mười, Trưởng bản Cợp cho biết: “Bản Cợp có 185 hộ dân với 280 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu của người dân là làm nông- lâm nghiệp. Trước đây, bản chúng tôi là một trong những bản nghèo nhất của xã nhưng hiện nay không còn nhà nào thiếu ăn, thiếu mặc nữa. Giấc mơ về điện, đường, trường, trạm cũng đã thành hiện thực. Điều đáng mừng là mấy năm trở lại đây con em trong bản thi đỗ đại học, cao đẳng rất nhiều”.
Ở bản Cợp bây giờ dần vắng bóng thanh niên làm nương rẫy bởi đa phần các em đã “ly hương” để theo đuổi sự học, một số đi học nghề để lập nghiệp dài lâu. Như thể nhận ra được cái vòng luẩn quẩn nghèo túng vì thiếu con chữ, nay những bậc phụ huynh đều tạo mọi điều kiện cho con em họ đến trường. “Ngày trước, cái ăn cái mặc còn túng thiếu, con em ở đây phải lên rừng, lên rẫy phụ giúp gia đình mưu sinh. Nay nhiều nhà đã có của ăn, của để nên phải động viên, tạo điều kiện cho con em đến trường chứ”, bà Hồ Thị Thom (62 tuổi) tâm sự.
Không chỉ riêng bà Thom mà nhiều bậc làm cha, làm mẹ nơi đây đã nhận ra được lợi ích của việc học. “Thế hệ chúng tôi vất vả cả đời cũng chỉ mong kiếm đủ cái ăn. Suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn nghèo túng và chúng tôi nhận ra rằng không có cái chữ thì làm việc gì cũng khó. Chính vì thế, chúng tôi quyết tâm tạo điều kiện cho con em đến trường để mai đây phục vụ quê hương và đỡ vất vả hơn thế hệ chúng tôi”, ông Hồ Văn Muông chia sẻ.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Hồ Thị Mai (75 tuổi), người được xem là nuôi con ăn học thành tài nhất bản Cợp. Trong căn nhà xây, lát gạch láng bóng, bà Mai không giấu được niềm tự hào khi chúng tôi nhắc đến chuyện nuôi con học đại học. “Trước đây tôi rất nghèo, lại đông con (13 người con) nhưng thấy các con hiếu học, sáng dạ nên cố gắng vay mượn để nuôi con ăn học. Giờ đây tôi có 4 người con tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định nên kinh tế đỡ khó khăn nhiều”, bà Mai tươi cười cho biết. Các con của bà lần lượt tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế; Đại học Khoa học Huế; Đại học Sư phạm Huế; Đại học Sư phạm Vinh.
Ngày các con lần lượt bước chân vào đại học, gánh nặng mưu sinh thêm đè nặng trên đôi vai bà Mai. Nhà thuộc diện hộ nghèo nên nhiều lúc về thăm nhà, các con bà chỉ nhận từ mẹ mỗi người 200 đến 300 nghìn/tháng để trang trải việc học hành hoặc ít gạo, bí ngô, sắn và tiền xe rồi trở lại trường. “Hồi đó, em với chị gái và anh trai học ở Huế nên ở cùng nhau. Nhiều bữa chỉ có cơm với muối, hay nấu sắn ăn qua bữa. Tuy khó khăn là thế nhưng 3 anh em vẫn cố gắng học tập tốt. Cứ nghĩ đến mẹ già ở quê suốt ngày còng lưng trên nương rẫy là đói đến mấy chúng em cũng gắng học”, Hồ Thị Thin bùi ngùi kể lại.
Sau bao năm cố gắng, anh trai Thin là Hồ Văn Cáo đã tốt nghiệp ngành luật và về làm cán bộ tư pháp xã Hướng Phùng. Chị gái Hồ Thị Pung đã nhận công tác tại Trường Mầm non bản Cợp. Riêng Thin được Đoàn KT-QP 337 nhận làm hợp đồng với mức lương 10 triệu đồng/tháng và Hồ Thị Vằng (22 tuổi) cũng vừa tốt nghiệp đại học. Khi các con ra trường, bà Hồ Thị Mai đã cười trong nước mắt. Những giọt nước mắt của hạnh phúc bởi bà đã cùng các con vượt qua được nghèo đói, lạc hậu đeo đẳng bản làng bao đời nay.
Kể từ khi anh em nhà Hồ Thị Thin thi đỗ đại học, một phong trào theo đuổi cái chữ, theo đuổi giấc mơ giảng đường đã nở rộ ở bản Cợp. Nhà nào cũng lấy gương 4 anh, chị em Thin để động viên con đến trường. Hiện nay, bản Cợp có gần 23 em đang học ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc. Ngay đến vợ của Trưởng bản Cợp là Nguyễn Thị Hà cũng vừa hoàn thành khóa học liên thông lên đại học với chuyên ngành giáo dục Mầm non...
Góp sức xây dựng bản làng
Bây giờ, bà Mai ít khi lên núi chặt củi, hái rau đắp đổi qua ngày như vài năm trước bởi một phần tuổi đã già và hãnh diện hơn là đã có con phụng dưỡng. “Mỗi tháng 4 đứa thu nhập trên 20 triệu đồng, góp lại mua cho mẹ nồi cơm điện, bếp ga nên đỡ vất vả hơn trước nhiều lắm. Bây giờ muốn mua tô phở, bát cháo ăn sáng đã không còn là ước mơ”, bà Mai nói trong hạnh phúc.
Kể từ ngày các cử nhân về bản, đời sống kinh tế hộ gia đình đã thay đổi khá nhanh và rõ nét. Những mái nhà sàn đã dần được thay bằng nhà xây kiên cố, những chiếc xe ga đời mới đã xuất hiện ngày một nhiều góp phần thay đổi diện mạo của bản làng. Đâu đó, những chiếc ti vi đời mới có kết nối truyền hình cáp đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Bây giờ người dân không còn mập mờ trong kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi, chọn giống sắn hay sử dụng phân bón vì đã có ít nhất 2 kỹ sư nông nghiệp sẵn sàng tư vấn không công. Người dân trong bản cũng không còn mơ hồ trong các thủ tục tư pháp vì đã có cử nhân luật hướng dẫn tận tình và có trên 5 cô giáo ngày đêm tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
Mấy năm trở lại đây, người dân ở bản Cợp đã biết cách làm lúa nước nhờ sự tư vấn kỹ thuật của kỹ sư nông nghiệp Hồ Thị Thin. “Thực tế người dân bản em đã biết làm lúa nước trước khi em bước chân vào đại học nhưng bà con làm không hiệu quả. Từ khi em tư vấn chọn giống, cách bón phân theo từng thời kỳ phát triển của cây lúa thì hiệu quả đã tăng lên rõ nét”, Thin tự tin cho biết. Không chỉ giúp người dân trong bản tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà Hồ Thị Thin còn thường xuyên cùng già làng, trưởng bản tích cực tuyên truyền cho người dân từ bỏ thói quen canh tác lạc hậu phát, cốt, đốt, trỉa. Qua mấy năm vận động, tuyên truyền, người dân trong bản đã từ bỏ những cách làm lạc hậu đó và bắt đầu biết sử dụng phân bón, cải tạo đất để canh tác dài lâu.
Từ bao đời nay việc làm hộ tịch, hộ khẩu, giấy khai sinh hay giấy tờ tùy thân không được bà con ở bản Cợp nói riêng và người dân ở xã Hướng Phùng nói chung chú trọng. Với họ việc đó là việc của cán bộ tư pháp, họ chỉ có nhiệm vụ cung cấp thông tin và phần còn lại là của cán bộ tự tìm hiểu thêm. Thế nhưng từ khi Hồ Văn Cáo tốt nghiệp cử nhân luật và giải thích cặn kẽ bằng tiếng bản địa thì người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của những thứ giấy tờ trên, tự nguyện tìm đến UBND xã làm giấy tờ theo quy định pháp luật. Vốn là người bản địa nên Hồ Văn Cáo hiểu rất rõ những phong tục, tập quán, thói quen ở địa phương, vì thế công tác tư pháp được phổ biến rộng rãi, hiệu quả hơn trước.
“Người dân đồng bào mình làm cái gì cũng khó khăn vì nhận thức pháp luật còn hạn chế, đã thế họ thiếu hiểu biết về quy trình, thủ tục làm giấy tờ liên quan đến pháp luật. Bà con cứ sợ bị phạt, sợ phải chạy ngược xuôi xác nhận giấy tờ nên dần dần không cần làm nữa. Mình may mắn hơn bà con là được học hành, đào tạo bài bản nên biết được gì là mình giải đáp tận tình cho bà con. Đến nay, bà con trong bản và khắp xã đã có bước chuyển biến rất tích cực trong nhận thức về pháp luật, mình rất vui vì điều đó”, Hồ Văn Cáo tâm sự.
Không chỉ riêng những cử nhân đã ra trường đang công tác tại địa phương bày tỏ tấm lòng của mình với bản làng mà ngay cả những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cũng khát khao được trở về góp sức mình xây dựng quê hương. “Em muốn sau khi tốt nghiệp sẽ được công tác tại Trạm y tế xã Hướng Phùng để có thể chăm sóc sức khỏe cho bà con”, em Hồ Thị Vằn (21 tuổi), sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Y tế Huế chia sẻ.
Sẽ không bao lâu nữa, ở bản Cợp sẽ có thêm những kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... để thỏa niềm mong mỏi của bao thế hệ ngày đêm khát khao con chữ và tiến kịp miền xuôi...
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: NHƠN BỐN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn