Đang truy cập :
8
Hôm nay :
120
Tháng hiện tại
: 8862
Tổng lượt truy cập : 1558267
Xây dựng XHHT là xã hội mọi người đều được học hành bằng hình thức chính quy, không chính quy, tự học trong nhà trường và ngoài nhà trường, học thường xuyên và học suốt đời, học chữ, học nghề, học làm người, học để biết, để làm việc, để chung sống, để phát triển cá nhân và cộng đồng. Đồng thời mỗi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp “Trăm năm trồng người” như Bác Hồ đã dạy.
Để đưa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng XHHT đi vào cuộc sống, năm 2009-2010, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình XHHT cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị”. Qua hai năm nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá 4 mô hình làm điểm: Xã Vĩnh Thủy đại diện cho vùng đồng bằng, xã Vĩnh Thái đại diện cho vùng biển, xã Hướng Lộc đại diện cho vùng sâu vùng xa và thị trấn Lao Bảo đại diện cho thị xã, thị trấn, đề tài đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Mô hình XHHT được xây dựng có ba bộ phận cấu thành, đó là:
- Tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành
- Thiết chế xây dựng XHHT
- Nguồn lực xây dựng XHHT.
Với 3 đặc trưng cơ bản của XHHT, trước hết đó là xã hội trong đó mọi người đều học, học thường xuyên, học suốt đời dưới nhiều hình thức và phương thức khác nhau. Thứ hai, đó là mộtxã hội tạo điều kiện thực sự cho mọi người có cơ hội được học tập suốt đời, một xã hội có sự cam kết của các cấp lãnh đạo, sự cùng tham gia, cùng có trách nhiệm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người của toàn xã hội. Thứ ba, một xã hội được công nhận là một XHHT phải là một xã hội phát triển bền vững, có sự phát triển cân đối và hài hòa về kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường.
Phiên họp Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá nghiệm thu đề tài “Nhân rộng mô hình XHHT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Ảnh: Huyền Trang
Từ thực tiễn địa phương Quảng Trị, qua 2 năm nghiên cứu thực hiện đề tài, chúng tôi nhận thấy xây dựng mô hình XHHT ở cấp xã là biểu hiện cụ thể, sinh động của mô hình XHHT nói chung, là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo những đặc trưng cơ bản của XHHT trên cơ sở kết hợp với những đặc điểm của tình hình kinh tế - xã hội, tình hình giáo dục - đào tạo và hoạt động của phong trào khuyến học ở địa phương.
Ban chỉ đạo điều hành xây dựng XHHT cấp xã đã tích cực tham mưu giúp cho cấp ủy và chính quyền địa phương về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch, việc đầu tư phát triển, vận hành mô hình XHHT; đã khảo sát, điều tra nắm vững nhu cầu học tập của người dân gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của các xã, thị trấn để lựa chọn xây dựng các nội dung, hình thức học tập phù hợp, có tác dụng thiết thực đối với đời sống của mỗi người dân. Công tác liên kết, phối hợp với các lực lượng, các tổ chức đoàn thể trong xã hội để hỗ trợ phát triển hệ thống giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy gắn bó, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.
Hội Khuyến học với vai trò nòng cốt và với phương châm: “Tham mưu tốt, liên kết rộng, nội lực mạnh” đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, liên kết với các tổ chức chính trị - xã hội củng cố tổ chức Hội vững mạnh cả về số lượng và chất lượng đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng XHHT tại các địa phương được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Nhìn chung, qua quá trình thực hiện mô hình xây dựng XHHT ở cơ sở thì các phong trào hoạt động tại địa phương được đồng bộ, hiệu quả hơn trước. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân đều đánh giá phương thức hoạt động như mô hình Hội Khuyến học tỉnh xây dựng là phù hợp, nếu được đầu tư thêm nguồn lực thì kết quả chắc chắn bền vững.
Từ thành công ban đầu của đề tài “Xây dựng mô hình XHHT cấp xã, thị trấn” và để góp phần thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 281/QĐ-TTg về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 642/KH-UBND ngày 11/3/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị về thực hiện đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2013-2020, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đề xuất và được Hội đồng khoa học tỉnh cho thực hiện đề tài khoa học “Nhân rộng mô hình XHHT cấp xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Phạm vi nhân rộng việc vận hành mô hình XHHT tại 08 xã, thị trấn đó là: Thị trấn Cửa Việt, xã Gio Phong, xã Vĩnh Sơn, xã Cam Hiếu, xã Triệu Thuận, xã Hải An, xã Hướng Hiệp, xã Thuận, 08 xã trên đại diện cho các vùng miền của tỉnh. Đề tài thực hiện trong 12 tháng từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2014. Đề tài đã được nghiệm thu và được xếp loại xuất sắc. Hội đã xây dựng Đề án về cơ chế chính sách đối với cán bộ khuyến học và đề xuất giải pháp nhân rộng mô hình XHHT tại 142 xã, phường, thị trấn trong những năm tiếp theo.
Qua khảo sát và tiếp xúc ban đầu, chúng tôi nhận thấy một số lãnh đạo và người dân hiểu chưa đầy đủ, thấu đáo và sâu sắc về XHHT. Họ cho rằng XHHT là khái niệm chung chung. Nhưng sau khi được tổ chức quán triệt thì họ mới hiểu rõ xây dựng XHHT là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, và XHHT là mọi người phải có trách nhiệm học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi, cần gì học nấy... theo tư tưởng "HỌC SUỐT ĐỜI" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là mong muốn kết quả lâu dài của đề tài đem lại cho người dân, đặc biệt là hơn 2/3 người dân chưa có điều kiện tham gia học tập trong nhà trường.
Nhờ có sự trực tiếp tác động, hướng dẫn, hỗ trợ nên nhận thức của cán bộ và người dân về XHHT được chuyển biến, các xã đã tiến hành thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo điều hành xây dựng XHHT theo hướng dẫn của Hội Khuyến học tỉnh, tăng cường chỉ đạo hoạt động các TTHTCĐ từng bước có hiệu quả. Bởi lẽ TTHTCĐ là trường học của người dân. Theo báo cáo và qua kiểm tra, chỉ trong năm 2013, các xã đều tổ chức từ 10-15 lớp tập huấn theo yêu cầu người dân đăng ký đã tạo động lực thúc đẩy mọi người có ý thức học tập không ngừng để cập nhật kiến thức vào đời sống, sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều địa phương mặc dù còn có khó khăn về nguồn lực tài chính nhưng thấy được ý nghĩa, tác dụng của xây dựng XHHT nên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về XHHT, về giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nhờ vậy, việc huy động học sinh đến trường luôn duy trì với tỷ lệ cao, công tác xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất cũng được chú trọng, nhiều văn bản chỉ đạo về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã được ban hành tại nhiều địa phương.
Những kết quả thu được trong xây dựng XHHT tuy mới chỉ là bước đầu nhưng đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giám nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới...
Xây dựng XHHT là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược của Đảng và nhà nước ta, đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực liên tục, bền bỉ và lâu dài. Xây dựng XHHT là một quá trình không có điểm kết thúc. Vì vậy, việc xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục nước nhà. Trên tinh thần đó, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học theo mô hình "Gương sáng hiếu học", "Gia đình hiếu học", Dòng họ hiếu học", "Cộng đồng khuyến học" vì đây chính là hạt nhân để xây dựng XHHT từ cơ sở. Phong trào được lan tỏa đến tận các khu dân cư, các thôn, bản, khu phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo và đến tận từng người dân. Có như vậy mới tạo thành sức mạnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước mắt và trong tương lai xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hồng Vân Phó Chủ tịch thường trực Giám đốc Quỹ Khuyến học tỉnh Quảng Trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn