Đang truy cập :
13
Hôm nay :
200
Tháng hiện tại
: 8942
Tổng lượt truy cập : 1558347
Cô giáo Mai Tuyết luôn tận tình với học trò vùng cao
Quyết tâm cắm bản
Sinh năm 1962, trong một gia đình nghèo ở Quảng Bình, nhưng cô Tuyết vẫn kiên trì tiếp tục học cao hơn. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp THPT, cô khăn gói vào Quảng Trị để học tiếp Trường Trung cấp Sư phạm Đông Hà. Năm 1983, cô ra trường và được bố trí công tác tại địa phương, thế nhưng cô lại tình nguyện lên vùng cao Đakrông để dạy học.
“Duyên tiền định” với vùng núi Đakrông là một chuyến đi thực tế thời còn là học viên, cô đã đến với những đứa trẻ giữa đại ngàn, đã chứng kiến và cảm nhận khát khao con chữ trong đôi mắt của những học trò nghèo. Sau chuyến đi ấy, trong trái tim cô luôn hướng về những đứa trẻ ở vùng cao và chờ đợi một ngày trở lại. Kết thúc khóa học, giữa chốn xa lạ không người thân thích nhưng cô vẫn quyết tâm lên với vùng núi rừng Đakrông. Quyết định đó của cô đã khiến nhiều người thân bỡ ngỡ.
“Khi tôi quyết định lên dạy học ở vùng núi Đakrông, ba, mẹ và gia đình đều e ngại. Gia đình lo lắng vì tôi không có ai thân thích ở Quảng Trị, lại sống nơi vùng rừng thiêng nước độc, lỡ có ốm đau lấy ai chăm sóc, đỡ đần”, cô Tuyết chia sẻ.
Tuy nhiên, hiểu được khát vọng của con nên gia đình cũng đồng ý để cô thực hiện ý nguyện của mình. Lúc bấy giờ muốn đến xã Tà Long (huyện Đakrông) phải đi qua nhiều đoạn đường khác nhau, xe đò chỉ chạy đến được cầu treo Đakrông, từ đó phải băng rừng, lội suối thêm nhiều giờ đồng hồ nữa, cô giáo Tuyết mới vào được Trường Tiểu học số 1 xã Tà Long. Ngày đó, Trường Tiểu học Tà Long chỉ là một mái tranh trống trước hở sau, nằm chênh vênh bên sườn núi. Học sinh của trường đa phần là con em người dân tộc Vân Kiều không biết nói tiếng phổ thông. Để có thể giao tiếp và giảng dạy học sinh, cô Tuyết dành thời gian đi đến tận các bản làng để học tiếng Bru-Vân Kiều và tìm hiểu thêm phong tục tập quán của bà con. Đêm đến cô lại chong đèn soạn giáo án. Khi bóng tối ùa về, trong gian phòng không điện, chỉ có ánh đèn dầu và những trang giáo án đồng hành, những tiếng kêu của thú rừng vọng từ vách núi hay tiếng gió hú qua mái tôn đôi khi cũng làm cho các cô thấy buồn và sợ. Khó khăn, thiếu thốn chồng chất nên đã không ít cô giáo bỏ cuộc ra. “Những cô giáo lên đây trong chuyến tình nguyện năm nào đã lần lượt về xuôi vì không chịu được cái khổ, thiếu thốn nơi này. Trong số 18 cô tình nguyện ngày nào, giờ chỉ còn lại mình tôi...”, cô Tuyết tâm sự.
Ngày ấy, thỉnh thoảng cũng có người ở xuôi lên bản dạy học nhưng chẳng có mấy ai ở lại đến 3 năm, riêng cô Tuyết đã có 29 năm gắn bó với nơi này.
Những cống hiến thầm lặng
Đến bây giờ, cô Tuyết vẫn nhớ như in cảm giác ngày đầu đến nhận lớp, chỉ có vài ba học sinh lèo tèo trong gian nhà tranh vách nứa. Hỏi ra, cô mới biết vì nghèo, đói nên các em phải theo gia đình đi kiếm củi, hái măng mưu sinh. Thế là cô lại băng khe, lội suối đến tận từng gia đình để động viên các em đến trường. “Những ngày đầu đi vận động học sinh đến trường tôi đều nhận được những cái lắc đầu vì phụ huynh chỉ thích con lên rẫy hơn là đến trường. Giải thích, kiên trì vận động nhiều tháng liền họ mới đồng ý để các em đến lớp”, cô Tuyết kể lại.
Công tác được 5 năm ở Trường Tiểu học Tà Long, với uy tín của mình cô được chuyển về làm Điểm trưởng điểm trường Trại Cá để vận động học sinh nơi đây đến trường. Điểm trường nằm ở thôn Vôi, vốn túng thiếu lại có nhiều sông suối chia cắt, đồi núi hiểm trở. Nhiều em học sinh chỉ mới 7- 8 tuổi đã phải nghỉ học giữa chừng, theo cha mẹ lên rừng mưu sinh.
“Thuyết phục làm sao để các gia đình cho con em đến trường là vấn đề cực kỳ khó và nhạy cảm. Nhưng mình tin là mình sẽ làm được vì ngày trước mình đã làm được cơ mà”, cô Tuyết khẳng khái.
Nghĩ là làm, cô đã vận động các giáo viên trẻ tại điểm trường chia thành nhiều nhóm và đều đặn mỗi tuần ba, bốn lần đến các bản làng vận động học sinh đến trường. Mô hình vận động do cô Tuyết lập ra đã được nhiều giáo viên ủng hộ nên đem lại hiệu quả cao. Chính vì thế, học sinh đến trường cao hơn nhiều lần so với những năm trước đây.
Sống ở vùng núi này đã nhiều năm nên cô Tuyết hiểu được nỗi khó khăn, thiếu thốn của học sinh. Vì thế, cô vận động giáo viên trong trường trích một phần lương của mình lập quỹ “Tiếp sức đến trường”, giúp các em vượt qua khó khăn, giảm bớt được phần nào nhọc nhằn cho phụ huynh. Món quà của các cô đem đến cho học sinh chỉ đơn giản là bộ quần áo, đôi dép, cuốn sách, tập vở, bút mực nhưng đã giúp các em thấy thêm ấm lòng và tin tưởng vào tương lai mà “cái chữ Bác Hồ” đem lại.
“May có cô giáo Tuyết thuyết phục và giúp cho con mình cái áo, sách vở... chứ không mình đã cho con vào rừng mưu sinh rồi”, anh Am Piên ở thôn Vôi bộc bạch. Không chỉ anh Am Piên mà nhiều phụ huynh ở đây đều quý trọng và tin tưởng cô giáo Tuyết cùng tập thể giáo viên Trường Tiểu học Tà Long. “Nếu không có các thầy, cô sẻ chia khó khăn thì nhiều con em vùng này đã không được đến trường để học cái chữ”, anh Hồ Pai nói.
Năm 1988, cô Tuyết lập gia đình và định cư tại thôn Vôi. Những tưởng hạnh phúc sẽ xua đi những tháng ngày cô độc giúp cô có thêm động lực, niềm tin để thực hiện ước mơ gieo chữ thì chồng mất đột ngột để lại cô với cậu con trai độc nhất. Gắng gượng vượt qua nỗi đau, cô lại hướng về các em học sinh nghèo nơi đây bằng khát khao cháy bỏng. Bây giờ, em Ngô Xuân Tình (con trai cô Tuyết) đang học lớp 12 ở thị trấn Krông Klang nên cô chỉ sống một mình trong căn nhà đơn sơ. Xem điểm trường như nhà nên nhiều khi cô ở lại khu tập thể trường để động viên các cô giáo trẻ mới lên dạy học mong tiếp thêm cho các cô ý chí, niềm tin mà yên tâm công tác.
Thấm thoắt đã 29 mùa lau nở trắng rừng và câu chuyện cô giáo Mai Tuyết tình nguyện cắm bản gieo chữ chứa chan bao buồn vui trong đó khiến chúng tôi cảm phục. Có những khó khăn, thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua, thế nhưng cô vẫn đứng vững để gieo cái chữ cho bao thế hệ học sinh nơi đây. Suốt 29 năm dạy học, cô nhận được rất nhiều giấy khen từ các cấp, các ngành và ban giám hiệu nhà trường, nhưng với cô, món quà lớn nhất, có ý nghĩa nhất là số con em dân tộc thiểu số đến trường ngày một nhiều hơn và ngày càng có nhiều học sinh đạt được thành tích cao trong học tập.
Dù đã bước qua tuổi 50 nhưng trong trái tim cô giáo Dương Thị Mai Tuyết, khát khao cống hiến vì sự nghiệp trồng người nơi vùng cao vẫn không bao giờ tắt. Ở giữa đại ngàn Trường Sơn, cô như ngọn đèn thắp sáng lên niềm tin và hy vọng vào tương lai cho học sinh vùng cao mà “cái chữ Bác Hồ” đem lại.
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn