Đang truy cập :
6
Hôm nay :
538
Tháng hiện tại
: 28602
Tổng lượt truy cập : 1344058
Dù chỉ là những tín hiệu khởi đầu nhưng đấy cũng là câu trả lời đầy tin cậy của các bạn, khi năm nào, những nhà tài trợ học bổng đã nói rằng: “Các em không nợ gì chúng tôi, nhưng các em nợ thế hệ đàn em của các em”. Một hành trình tiếp sức đúng nghĩa của từ “tiếp sức”... Đó chính là những mùa quả ngọt cho cuộc đời, được gieo trồng trên phù sa nghị lực và tin yêu, đó là điều mà tất cả mọi người tha thiết kỳ vọng và đã chứng kiến, theo năm tháng, từng ngày, từng giờ của hành trình Tiếp sức đến trường-tiếp sức và chưa hề dừng lại!
Có những năm chúng tôi thử làm một phép thống kê và con số tân sinh viên có hoàn cảnh mồ côi chiếm đến 60-70% số suất học bổng, nhiều em trong số đó mồ côi cả bố lẫn mẹ…Mười năm, không đếm hết bao nhiêu nước mắt đã rơi và nụ cười đã nở trên gương mặt những tân sinh viên và những người chung tay thực hiện chương trình TSĐT.
Mười năm, nếu không đi vào tận từng ngõ làng, thôn bản chắc chúng tôi không thể gặp những số phận mà dù có giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng khó hình dung ra. Mỗi câu chuyện về một tân sinh viên nghèo lại thêm vào cuốn sách biên niên một câu chuyện của nghị lực. Và hóa ra, những gương mặt tân sinh viên đến với chương trình của báo Tuổi Trẻ không chỉ giống nhau ở sự…nghèo khó, các bạn còn giống nhau ở nghị lực! Nếu không có nghị lực, chắc chắn rất khó để theo đuổi con đường học vấn, cho dù suất học bổng có thể trợ giúp bước đầu cho các bạn.
Luận về sự vươn lên trong khốn khó, sách xưa có câu “Khốn nhi tri”-nghĩa là trong nhiều sự lớn khôn ở đời có sự khôn ngoan mà người ta có được nhờ từng trải qua những khó khăn thách thức. Cái ý tưởng này, ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, một mạnh thường quân rất tích cực với chương trình TSĐT vẫn thường hay nói với các tân sinh viên vào mỗi dịp trao học bổng, rằng: “Các em cảm ơn chúng tôi-những nhà tài trợ đã hỗ trợ suất học bổng nhỏ nhoi - nhưng chúng tôi, những người trao suất học bổng cho các em cũng xin biết ơn các em. Từ câu chuyện các em, chúng tôi học được bài học về nghị lực.
Những lúc thương trường khốc liệt, câu chuyện vượt lên nghịch cảnh của những tân sinh viên lại là nguồn động viên to lớn và câu chuyện đó, mỗi năm lại nhiều hơn, tích lũy thêm cho chúng tôi sức mạnh của nghị lực”.
Hóa ra câu chuyện TSĐT, câu chuyện 10 năm qua (và thêm nhiều năm nữa) là một cặp phạm trù của niềm tin. Đêm trao học bổng hôm 24/8, thạc sĩ Đào Thị Hằng đã ví von đại ý rằng: Điều đó cũng như câu chuyện của những dòng sông, mỗi mùa mưa lũ dâng lên gây bao mất mát cho mùa màng, nhưng cũng sau mùa mưa lũ ấy, sông dâng tặng cho đất đai đồng bãi một lớp phù sa, rồi từ đó mọc lên lúa ngô, dâng cho người những mùa màng . Mưa lũ cuộc đời đã thách thức hàng ngàn số phận các bạn trẻ, những tân sinh viên. Nhưng từ thác nguồn mưa lũ ấy đã dày lên phù sa tình người từ các mạnh thường quân, từ các câu lạc bộ nghĩa tình, TSĐT được lập nên trên cả nước…Trên phù sa ấy, những người chung tay xây dựng chương trình đã thấy những mùa quả ngọt đầu tiên, khi sau 10 năm, hôm nay Lập thợ hồ nay thành kỹ sư phần mềm, Hiếu cà rem thành thầy giáo dạy toán, bé An khó nghèo nay là bác sĩ nội trú ở một bệnh viện lớn và hàng trăm tân sinh viên những khóa đầu nay đã ra trường, có việc làm, thay đổi số phận.
Và không chỉ có thế, mùa học bổng năm ngoái, chắt chiu những đồng lương của một sinh viên vừa ra trường, thầy giáo Lê Minh Hiếu (tức Hiếu cà-rem ngày nào) đã góp một phần học bổng cho thế hệ đàn em. Năm nay, Đào Thị Hằng cùng bạn bè của mình góp thêm vào chương trình 5 suất học bổng (trị giá 5 triệu đồng/ suất).
Dù chỉ là những tín hiệu khởi đầu nhưng đấy cũng là câu trả lời đầy tin cậy của các bạn, khi năm nào, những nhà tài trợ học bổng đã nói rằng: “Các em không nợ gì chúng tôi, nhưng các em nợ thế hệ đàn em của các em”. Một hành trình tiếp sức đúng nghĩa của từ “tiếp sức”... Đó chính là những mùa quả ngọt cho cuộc đời, được gieo trồng trên phù sa nghị lực và tin yêu, đó là điều mà tất cả mọi người tha thiết kỳ vọng và đã chứng kiến, theo năm tháng, từng ngày, từng giờ của hành trình Tiếp sức đến trường-tiếp sức và chưa hề dừng lại!
Tác giả bài viết: LÊ ĐỨC DỤC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn