Đang truy cập :
8
Hôm nay :
188
Tháng hiện tại
: 8930
Tổng lượt truy cập : 1558335
Lễ trao học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó hiếu học (cô Nguyễn Thị Hồng Vân, hàng đầu bên trái)
Người giáo viên xông xáo và cán bộ công đoàn tận tâm
Tốt nghiệp khóa sư phạm 10+1 đầu tiên ở miền Bắc vào năm 1970, cô giáo trẻ quê gốc thị xã Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội) Nguyễn Thị Hồng Vân về nhận công tác tại Trường cấp 2 xã Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Tây, bắt đầu bước những bước đầu tiên vào sự nghiệp “trồng người”. Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên đà thắng lợi, tỉnh Quảng Trị được giải phóng, Bộ Giáo dục có thư gửi tất cả các trường học trên miền Bắc, kêu gọi cán bộ, giáo viên tăng cường cho tuyến trước, cô giáo Vân đã viết đơn tình nguyện lên đường. Tháng 4/1973, cô Vân có mặt tại Quảng Trị, được phân công về giảng dạy tại Trường Sư phạm đồng bằng Quảng Trị; đến cuối năm 1975 chuyển về Trường Bổ túc văn hóa Triệu Phong theo đề nghị của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện mà đối tượng học viên là cán bộ cấp huyện và các xã thuộc vùng giải phóng Quảng Trị.
Thời bấy giờ, Quảng Trị là mảnh đất bị bom đạn giặc tàn phá đến 200%, cuộc sống vô vàn cơ cực. Ngay trên một phần đất Quảng Trị vẫn còn đồn bốt giặc. Những giáo viên tăng cường từ miền Bắc vào như cô Vân cũng phải tay bút, tay phấn, tay cuốc, vừa dạy chữ, dạy người, vừa tăng gia, sản xuất cải thiện đời sống và tham gia bảo vệ vùng giải phóng. Bàn chân của cô giáo Vân đã từng bám trụ tại chốt An Lộng (Triệu Hòa), Bích La (Triệu Đông) và chốt Triệu Vân, cất cao tiếng hát động viên bộ đội, tuyên truyền địch vận, để lại ấn tượng đẹp về những cô gái Hà Nội tài hoa trên vùng đất lửa Quảng Trị.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế và được kết nạp vào Đảng ngay khi còn là sinh viên, ra trường năm 1985 và giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông Lao động Triệu Hải, sau đó cô Vân vào nhận công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1989, cô chuyển về Quảng Trị quê chồng và công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh, đảm trách cương vị Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng Ban Kinh tế- Chính sách xã hội, Phó Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban nữ công. Năm 2005, cô Vân đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị. Ở bất kỳ cương vị nào, cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chính thức nghỉ hưu theo chế độ vào tháng 6/2007.
“Nghỉ hưu, tôi dành thời gian để chơi thể thao. Bộ môn tôi yêu thích nhất là bóng bàn. Trong một lần chơi bóng bàn, tôi gặp và trò chuyện với người thầy khả kính của tôi là NGƯT Trương Sĩ Tiến, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị. Thầy Tiến khuyên: “Vân về làm khuyến học đi. Vừa là cựu giáo viên, cựu cán bộ lãnh đạo công đoàn, chắc chắn Vân sẽ thuận lợi nhiều trong công việc và đóng góp cho khuyến học”. Được thầy Tiến gửi gắm, tin cậy, tôi vâng lời, chuẩn bị tâm thế để bước vào một lĩnh vực vừa thân quen, vừa mới lạ”, cô Vân bộc bạch.
Muốn khuyến học tốt phải dân vận khéo
Đầu tháng 8/2008, cô Vân chính thức làm công tác khuyến học. Ngay sau đó, cô được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đảm trách cương vị Phó Chủ tịch thường trực (năm 2008 - tháng 5/2015) rồi Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị (từ tháng 6/2015 đến nay). Kế thừa nền tảng vững chắc mà NGƯT Trương Sĩ Tiến cùng các cộng sự, người tiền nhiệm đã đặt nền móng và dày công tạo lập, cô Vân cùng các đồng sự của mình tiếp tục nỗ lực tiếp nối, làm cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều khởi sắc, gặt hái được những kết quả đáng tự hào, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận.
“Muốn công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đi vào cuộc sống của người dân thì cán bộ khuyến học cũng phải biết dân vận khéo, phải tận tâm, tận lực. Làm khuyến học chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Tuyên truyền tốt, vận động tốt, thuyết phục tốt thì hiệu quả đem lại sẽ rất tích cực”, cô Vân chia sẻ bí quyết làm công tác khuyến học một cách ngắn gọn, súc tích như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm nhận được sự lao nhọc, vất vả hiển hiện đằng sau ngôn từ mộc mạc, khiêm nhường đó. Để các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”, “Đơn vị khuyến học” nay là “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập cấp xã” trên địa bàn tỉnh luôn phát triển vững chắc, toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Giáo dục - Đào tạo và phong trào xây dựng xã hội học tập của địa phương, cô Vân và các đồng sự đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, khơi dậy mạch nguồn hiếu học, khát học ngay trong từng nếp nhà, từng dòng họ, từng cộng đồng. Những nỗ lực của những người làm công tác khuyến học và sự đồng thuận của cộng đồng đã đem lại kết quả tích cực.
Tính đến năm 2017, đã có 99.778 gia đình đăng ký “Gia đình học tập” và có 73.856 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, đạt tỷ lệ 74,02%. Đáng chú ý là nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng đã đăng ký “Gia đình học tập” và đã được công nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 1.085 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” và có 807 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, đạt tỷ lệ 74,37%. Năm 2017 là năm triển khai đại trà các mô hình học tập và chỉ đạo điểm mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã nên toàn tỉnh có 818 cộng đồng đăng ký “Cộng đồng học tập” và có 543 cộng đồng được công nhận, đạt tỷ lệ 66,38%. Để chăm lo tốt cho công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội tăng cường kiện toàn, củng cố tổ chức hội, xây dựng mạng lưới khuyến học rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Từ miền núi cho đến miền biển đều thành lập tổ chức Hội Khuyến học cấp cơ sở và hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 3.436 tổ chức Hội Khuyến học, với 175.247 hội viên, chiếm tỉ lệ 28,22% so với dân số. Quảng Trị là tỉnh đứng thứ tư toàn quốc về tỷ lệ hội viên Hội Khuyến học.
Đặc biệt, Quảng Trị là tỉnh vốn chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai thường xuyên đe dọa, nền kinh tế chưa phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để được đến trường, viết tiếp giấc mơ học hành, hàng vạn con em nhà nghèo đã phải nỗ lực vượt bậc. Nhằm chăm lo tốt hơn cho công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội đã tích cực vận động, kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm, đoàn thể, tổ chức tài trợ xây dựng Quỹ khuyến học. Chính cô Vân và các đồng sự đã tận dụng tất cả các mối quan hệ công tác, tranh thủ sự tiện ích của tất cả các phương tiện thông tin, truyền thông, lăn lộn đến từng địa bàn vùng sâu, vùng xa và đi đến mọi miền đất nước, tìm mọi cách gặp gỡ đối tác, vừa vận động, vừa thuyết phục, vừa thuyết phục, vừa vận động để chắt chiu, gom góp xây dựng nên Quỹ khuyến học Quảng Trị. Nếu như từ năm 2002 đến năm 2007, cả tỉnh huy động được trên 60 tỷ đồng thì từ năm 2008 đến nay, đã huy động được trên 280 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, mỗi năm có từ 20.000 đến trên 65.000 đối tượng được hưởng lợi là các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, học giỏi; khen thưởng thầy cô đạt thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và các em học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế. Quảng Trị là đơn vị đứng thứ 9 toàn quốc về huy động Quỹ khuyến học, tính bình quân trên một người dân.
Bên cạnh duy trì việc gắn kết, tìm đối tác mới để huy động học bổng, cô Vân đã cùng địa phương tiếp cận, vận động người dân hiến đất xây dựng 2 điểm trường mầm non tại Hướng Hóa; vận động các chức sắc tôn giáo và các tổ chức xây dựng 62 “Mái ấm khuyến học”, gần 2.500 chiếc xe đạp và trên 600 máy tính được trao tận tay các em học sinh, nhà trường.
17 năm xây dựng và phát triển (2001-2018) Hội Khuyến học tỉnh vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của Hội Khuyến học Việt Nam: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập 20 năm liên tục (giai đoạn 1996-2016)… Những thành tích trên là kết quả từ sự nỗ lực của toàn xã hội cùng chăm lo cho công tác khuyến học, trong đó có sự đóng góp quan trọng và thầm lặng của cô Nguyễn Thị Hồng Vân. Nhưng như chia sẻ của cô Vân, hạnh phúc nhất của cô là được thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước: “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước thành một xã hội học tập” đang dần trở thành hiện thực trên quê hương Quảng Trị, không một em học sinh nghèo, hiếu học, học giỏi bị bỏ lại phía sau. Bản thân cô Vân cũng vinh dự được nhận nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, của UBND tỉnh Quảng Trị; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen công nhận chiến sĩ thi đua toàn quốc và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Kết thúc câu chuyện về người cán bộ khuyến học tận tụy, mẫn cán, cô Vân chia sẻ: “Mình rất yêu thích công việc và làm việc với tất cả tấm lòng yêu thương con trẻ; tất cả tâm nguyện dành cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Do đó, đối với các “mạnh thường quân”, các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm… họ rất trân quý và sẻ chia mỗi khi có lời đề nghị hỗ trợ cho công tác khuyến học. Mình cũng luôn xem họ như những người thân, ân nhân, người đồng hành với phong trào khuyến học và dành tất cả những tình cảm chân thành đối với họ. Đôi khi chỉ một tin nhắn chúc mừng nhân ngày sinh nhật, ngày đầu năm mới, ngày húy kỵ của người thân trong gia đình các nhà hảo tâm… cũng khiến các “mạnh thường quân” vui và xúc động. Khi tấm lòng rộng mở, lắng nghe và thấu hiểu nhau thì khó mấy cũng gỡ được, việc gì cũng thuận buồm, xuôi gió”.
Tuổi tác dường như chỉ cho phép cô Vân gắn bó với công tác khuyến học ít năm nữa thôi, nhưng nhiệt huyết của cô vẫn tràn đầy qua bước đi, giọng nói và sự tậm tâm vẫn sắc nhạy qua từng sự chỉ đạo quyết liệt, để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được kế tục bất tận như dòng chảy trong trẻo của một con sông lớn được khơi lên từ mạch nguồn vùng đất địa linh nhân kiệt Quảng Trị.
Hỏi lòng, lòng vẫn muốn xung phong, là vậy đó!
Tác giả bài viết: Đào Tâm Thanh
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Những tin cũ hơn