Đang truy cập :
4
Hôm nay :
471
Tháng hiện tại
: 28535
Tổng lượt truy cập : 1343991
Cô giáo Thanh luôn quan tâm đến học lực của từng học sinh để giúp đỡ các em tiến bộ nhanh
Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất về cô giáo Phan Thị Thanh là sự say mê trong công việc, dường như bao tâm huyết, khát khao, Thanh đều dành cho trẻ vùng cao nơi đây. “Cô Thanh tuy mới về trường nhưng đã để lại ấn tượng tốt đẹp với đội ngũ cán bộ nhà trường và đặc biệt là các em học sinh bởi nhiệt huyết và sự gần gũi, thân thiện”, thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Đakrông cho biết.
Trong dãy nhà tập thể, Thanh đang chuẩn bị bữa cơm trưa để chiều còn lên lớp. Thanh chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa, thế nhưng mối tình 4 năm thời sinh viên với chàng trai Quảng Trị đã gắn kết em với mảnh đất này”.
Từ tấm bé, Thanh đã chăm chỉ học hành nên khi vừa tốt nghiệp THPT, cô thi đỗ vào Khoa Sinh học Trường ĐHKH Huế. Tốt nghiệp đại học, năm 2009, Thanh đỗ vào lớp Cao học chuyên ngành Sinh học thực nghiệm. Để có tiền trang trải học tập, sinh hoạt, Thanh đi làm gia sư ở nhiều trung tâm. Bận rộn là thế nhưng Thanh vẫn học tốt. Với thành tích học tập nổi trội của mình, Thanh được nhiều nơi tuyển dụng như: Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ Sinh học, Khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thế nhưng Thanh đã từ chối để theo chồng về Quảng Trị. Năm 2012, Thanh nộp hồ sơ dự tuyển lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trong khi chồng và gia đình đều muốn cô công tác trong ngành y. Ngày cô nhận được giấy thông báo trúng tuyển, mọi người ai cũng ngỡ ngàng. Hay tin Thanh nhận công tác tại xã Tà Rụt xa xôi, gia đình nội, ngoại buồn vui lẫn lộn.
Chồng Thanh, anh Trần Quang Sơn, chia sẻ: “Biết vợ mình ra trường xin được việc làm ngay khiến tôi và gia đình rất mừng nhưng nghĩ thương vợ, một thân một mình ở chốn núi rừng xa xôi ấy, lỡ ốm đau lấy ai mà nhờ cậy. Từ nhà lên đó cũng phải ngót nghét 200 km, đường sá đi lại khó khăn”. Ngày Sơn đưa Thanh lên Trường THPT số 2 Đakrông nhận công tác, lòng cảm thấy yên tâm hơn phần nào khi chứng kiến những thay đổi nơi đây. Điều đó giúp Thanh có thêm niềm tin, động lực để thực hiện khát vọng gieo chữ…
Ngày vào trường, Thanh được phân công dạy môn Sinh học khối 10, 12 và chủ nhiệm lớp 10 B 4 - một lớp có nhiều học sinh có học lực kém. Việc đầu tiên cô giáo Thanh làm khi nhận lớp đó là tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng học sinh một, đến tận nhà để cùng phụ huynh tháo gỡ vướng mắc nhằm tạo mọi điều kiện cho con em họ được đến trường.
Ở Trường THPT số 2 Đakrông, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số nên vẫn quen sử dụng ngôn ngữ bản địa. Để gần gũi và giúp các em tiếp thu bài vở dễ hơn, sau giờ lên lớp, Thanh thường vào bản để học tiếng của bà con. Mỗi giờ lên lớp, Thanh thường hỏi học sinh những câu hỏi mang tính sáng tạo, khơi gợi khả năng tìm tòi của học sinh, tránh tình trạng học vẹt, học đâu quên đó. Trao đổi thẳng thắn và biết lắng nghe học sinh là phương pháp dạy học của Thanh.
“Học sinh ở đây hơi rụt rè so với vùng đồng bằng nên em sử dụng phương pháp này để học sinh dễ nắm bắt bài, mạnh dạn thể hiện sự hiểu biết và hơn nữa giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp”, cô giáo Thanh chia sẻ.
Trong giờ giải lao, Thanh lấy trong cặp ra cho tôi xem đến 2 cuốn giáo án. Chưa kịp hỏi thì Thanh giải bày: “Ngoài giáo án bắt buộc, em còn soạn thêm giáo án cho từng nhóm học sinh để giúp các em tiếp thu bài vở một cách nhanh và hiệu quả nhất. Một giáo án thông thường khó mà dạy chung cho nhiều nhóm học sinh được. Trong mỗi lớp học luôn có học sinh khá, giỏi, trung bình, yếu kém nên em phải soạn thêm giáo riêng cho từng nhóm học sinh, từ đó giúp học sinh tiếp thu bài vở một cách tốt nhất”.
Đối với học sinh khá, giỏi, Thanh thường gợi ý mở để các cháu phát huy khả năng sáng tạo hơn còn đối với học sinh trung bình, yếu kém thì giáo án ấy sẽ giúp cho học sinh nắm bắt được những kiến thức cơ bản một cách tốt nhất. Không những thế, trong giờ học tự chọn, Thanh còn soạn một giáo án riêng về các dạng bài tập dùng để ôn luyện thi khối B vào các trường đại học, cao đẳng cho học sinh khối 12.
Vào các ngày nghỉ, cô ít khi về nhà nên hễ học sinh thắc mắc điều gì đều đến khu nhà tập thể để hỏi. Những lúc ấy, Thanh không thấy khó chịu mà trái lại rất vui. “Được học sinh tìm đến hỏi bài vở là điều hạnh phúc nhất với những người dạy học như em. Nhiều khi mải mê trao đổi, thảo luận mà trời xế trưa lúc nào không hay, bụng quên cả đói”, Thanh cười tươi.
Được sự giúp đỡ của cô giáo Thanh nên từ những học sinh yếu kém nhất lớp 10 B4, chỉ sau hai tháng được kèm thì cháu Hồ Thị A Rim, Hồ Thị Thon, Hồ Văn KNưm đã là một học sinh khá. Cô bé A Rim xúc động nói: “Trước đây, mỗi khi nhìn vào những dãy số, con chữ là mắt cháu lại hoa lên, đầu óc rối bù không muốn học bài, không muốn đến lớp. Nhờ cô giáo Thanh kèm cặp, giúp đỡ nên bây giờ cháu không còn sợ học nữa rồi. Cháu rất biết ơn cô giáo”.
Đối với mỗi giáo viên, ngày nghỉ cuối tuần là dịp để nghỉ ngơi sau những ngày miệt mài trên bục giảng. Nhưng với cô giáo Thanh, về nhà không chỉ đơn thuần để đoàn tụ cùng gia đình mà về để ngược xuôi đây đó xin dép, áo quần, sách vở, đồ dùng học tập cũ để mang lên cho các em học sinh nghèo. Sắp tới Thanh dự định sẽ xin BGH nhà trường cùng các thầy cô dạy môn Sinh học biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp bà con nơi đây làm kinh tế. Với Thanh, việc giảng dạy không chỉ gói gọn trong giáo án, cô còn mong muốn cuộc sống của người dân Tà Rụt ngày một trở nên tốt đẹp hơn, khá giả hơn, để con em họ đến trường mà không phải nơm nớp nỗi lo cơm ăn, áo mặc; để các em có được một hành trang bước vào đời, tự tin như bao bạn bè đồng trang lứa khác.
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: TRẦN PHÚ HẢI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn